Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Không thể tin công chúa Thanh triều lại phải dùng đến cách này để được gần gũi chồng

Vào thời nhà Thanh, "cách cách" là danh xưng dành cho những cô gái có xuất thân cao quý, chủ yếu bao gồm các khuê nữ trong Hoàng thất, các tiểu thư Mãn Châu danh gia vọng tộc.

Đối với hậu thế, "cách cách" thường được hiểu là từ dùng để chỉ con gái của Hoàng đế, hay còn được gọi là "công chúa" trong những triều đại trước đó.

Ngày nay, chúng ta phần lớn biết tới cuộc đời của các cách cách thông qua phim ảnh, tiểu thuyết. Nhưng ít ai biết rằng, cuộc sống thực sự của những nàng công chúa Thanh triều ấy lại chẳng được như phim ảnh, thậm chí còn hết sức bi kịch.

Muốn gặp Phò mã phải... bỏ tiền

Theo quy củ của hoàng thất Thanh triều, vào thời điểm cách cách xuất giá, nhà vua sẽ an bài cho con gái một phủ đệ riêng, tuyệt đối không được ở chung với anh em của Phò mã.

Theo đó, những người anh em của chồng muốn được diện kiến chị dâu (em dâu) sẽ phải xin phép vào phủ thăm hỏi.

Ngay tới Phò mã cũng phải ở tòa nhà thuộc ngoại viện, cách cách không triệu kiến thì không được phép gặp, chứ đừng nói tới chuyện "đồng sàng cộng chẩm". Luật lệ này để thể hiện địa vị cao quý, cũng đảm bảo quyền lợi cho các cách cách trong hoàng tộc.

Tuy nhiên, chính điều này lại trở thành nguyên nhân làm rạn nứt gia đình của các cách cách.

Phận đời chẳng giống như phim của những cách cách Thanh triều - Ảnh 1.

Cuộc sống hôn nhân "cơm không lành, canh không ngọt" của các cách cách phần lớn đều bắt nguồn từ những luật lệ của hoàng thất. (Ảnh minh họa).

Theo đó, mỗi lần cách cách muốn gặp mặt phu quân đều phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ.

Nguyên nhân nằm ở chỗ khi xuất giá, các cách cách đều có một bảo mẫu đi theo hầu hạ và giám sát. Thực tế, mọi quyền lực trong phủ đều nằm dưới tay bảo mẫu này, bao gồm cả chuyện vợ chồng của cách cách, phò mã.

Nhiều người không khỏi thắc mắc, thân là con gái của Thiên tử, các cách cách sao lại phải e ngại một bảo mẫu?

Kỳ thực, nếu không dùng tiền để đút lót, lấy lòng bảo mẫu, chuyện gia sự, đặc biệt là chuyện vợ chồng sẽ bị nhiều ngăn trở. Chỉ cần cách cách muốn gặp Phò mã nhiều hơn một chút, bảo mẫu sẽ lấy cớ "trách móc" các nàng là những "nữ tử không biết xấu hổ".

Phận đời chẳng giống như phim của những cách cách Thanh triều - Ảnh 2.

Vào thời bấy giờ, người đời thường hay ví bảo mẫu của cách cách là "nữ quản gia", là những "bà lớn" quản lý hầu hết mọi việc trong phủ. (Ảnh minh họa).

Dù có xuất thân từ hoàng tộc cao quý, nhưng các cách cách vẫn thụ hưởng nền giáo dục Nho giáo, chịu nhiều định kiến xã hội. Với bản tính nhu hòa, yếu đuối, các nàng đương nhiên không chịu được những quở trách nặng nề về đạo đức như vậy.

Do đó, việc triệu kiến Phò mã đồng nghĩa với chuyện "cọc đi tìm trâu", quá mức chủ động, hạ thấp địa vị hoàng gia và thanh danh phụ nữ.

Theo đó, các bảo mẫu sẽ vin vào cớ này để báo về hoàng cung - nhà "mẹ đẻ" của cách cách. Bởi vậy, những cô công chúa Thanh triều chỉ còn cách bỏ một số tiền không nhỏ đút lót bảo mẫu để gặp phu quân của mình.

Dù vậy, việc hối lộ cũng chỉ có giới hạn, số lần cách cách kề cận Phò mã rất bị giới hạn. Cũng bởi vậy mà nhiều thế hệ công chúa Thanh triều còn không có con cái, phải nhường cơ hội làm mẹ cho các tiểu thiếp trong phủ.

Phận đời chẳng giống như phim của những cách cách Thanh triều - Ảnh 3.

Trên thực tế, những vị công chúa Thanh triều sau khi lấy chồng thường xuyên bị cảnh chăn đơn gối chiếc. (Ảnh minh họa).

Nếu cách cách qua đời trước, Phò mã lập tức bị "quét" khỏi phủ, mọi tài sản kê biên vào cung, chỉ có túi tiền của bảo mẫu là không thể kiểm chứng được. Các công chúa Đại Thanh sau khi lấy chồng, cứ mười người thì có chín người vì tương tư, buồn khổ mà sớm giã từ nhân thế.

Sinh ra trong hoàng thất, định trước sẽ bạc mệnh

Cũng giống như nhiều công chúa tiền triều, hôn nhân của các cách cách Thanh triều tuyệt đại đa số đều mang mục đích chính trị.

Bởi vậy, ngay cả khi tuổi đời còn nhỏ, họ đã phải đến những mảnh đất xa xôi của người Mông Cổ, Nữ Chân với tư cách liên hôn, hoặc gả cho các vương công, trọng thần, dùng thân hình non nớt để gánh vác trọng trách nặng nề của giang sơn, xã tắc.

Phận đời chẳng giống như phim của những cách cách Thanh triều - Ảnh 4.

Là nạn nhân trong những cuộc hôn nhân gượng ép và mưu toan chính trị, nhiều cách cách Thanh triều phải xuất giá khi tuổi đời còn rất nhỏ. (Ảnh minh họa).

Theo thống kê từ những ghi chép của chính sử Thanh triều, các cách cách xuất giá ở độ tuổi từ 10 -13 có 18 người, từ 14 – 18 tuổi có 21 người, lớn hơn 19 tuổi chỉ có 6 người. Trong số đó, có 2 người chỉ vừa xuất giá đã không may qua đời.

Trường hợp cách cách lấy chồng ở tuổi nhỏ nhất được Thanh triều ghi nhận là trưởng nữ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích Hoàng Thái Cực, xuất giá khi mới lên 10.

"Thanh sử cảo" mục "công chúa biểu" cũng ghi lại, từ thời Thuận Trị đến bảy vị Hoàng đế về sau, tổng cộng sắc phong 31 vị cách cách, nhưng chỉ có 24 vị sống qua tuổi 50.

Trong đó, số cách cách qua đời khi chưa đầy 20 tuổi có 2 vị, mất ở độ tuổi từ 20 – 29 có 13 vị, từ 30 – 39 tuổi có 4 vị, còn lại 5 người tạ thế trước khi bước vào tuổi 50.

Phận đời chẳng giống như phim của những cách cách Thanh triều - Ảnh 5.

Rất nhiều cách cách Thanh triều trở thành công cụ chính trị của hoàng tộc và triều đình. (Ảnh minh họa).

Theo lẽ thường, người sinh ra trong hoàng thất ắt phải được hưởng "cẩm y ngọc thực", điều kiện chữa bệnh cũng đặc biệt tốt. Vậy đâu là lý do khiến những cách cách Thanh triều đoản mệnh?

Kỳ thực, những công chúa nhà Thanh buông tay trần thế quá sớm chủ yếu đều vì tương tư, đau buồn, hơn nữa phần lớn họ lại không có con nối dõi.

Bi kịch của những vị cách cách "phận mỏng" hầu hết đều bắt nguồn từ những cuộc hôn nhân không như ý, từ cuộc sống vợ chồng không hòa hợp với các Phò mã.

Vậy mới thấy, cuộc sống nhung lụa, hạnh phúc của các cách cách trong những bộ phim truyền hình âu cũng chỉ là tưởng tượng của hậu thế chứ không phải sự thật lịch sử.

Bi kịch "sinh nhầm nhà" của công chúa Minh triều: Bị vua cha chém không chết nhưng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét